Sản phẩm thủ công truyền thống Nhật Bản: Lịch sử ngành gốm sứ Nhật Bản

11/06/2022 06:53

Lịch sử gốm sứ Nhật Bản khởi nguồn từ xa xưa, tiếp nhận những ảnh hưởng từ việc giao thoa với nghề đồ gốm Hàn Quốc và Trung Quốc để phát triển thành một ngành nghề với những nét độc đáo riêng. Bên cạnh đó, lịch sử gốm sứ Nhật Bản cũng khá phức tạp với những chủng loại vô cùng phong phú, được phân chia thành hai dòng chính là toki (đồ gốm) và jiki (đồ sứ). Tuy thường được gọi chung là đồ gốm sứ, nhưng trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển của từng loại đồ gốm và đồ sứ Nhật Bản.

Lịch sử gốm sứ Nhật Bản bắt nguồn từ hơn 10.000 năm trước, nhưng ngành gốm sứ như hiện tại mới chỉ khoảng 1.300 năm tuổi

Người ta nói rằng gốm sứ Nhật Bản ra đời cách đây khoảng 1.300 năm, nhưng chúng ta cần làm rõ hơn về điều này.
“Gốm sứ Nhật Bản” vốn là một thuật ngữ chung để chỉ gốm (toki) và sứ (jiki). Đồ gốm(*) được làm từ nguyên liệu là đất sét, còn đồ sứ được làm từ đá thạch cao

(*) Tùy thuộc vào nhiệt độ nung, người ta sẽ phân loại đồ gốm thành “đồ đất nung” (doki), “đồ sành” (sekki) và “đồ gốm” (toki).

Nguyên mẫu của đồ gốm, sự ra đời của đồ đất nung

Đồ đất nung Jomon

Xét về đồ gốm, ở Nhật có văn hóa làm đồ đất nung bằng cách làm cứng và nung đất sét. Các nghiên cứu gần đây cho thấy rằng hoạt động này đã có từ cách đây 15.000 năm. Theo lịch sử các thời đại của Nhật Bản, thời điểm này tương ứng với thời kỳ Jomon (từ năm 13.000 TCN ~ 300 TCN*). Đồ đất nung Jomon (tham khảo hình trên) được nung bằng một kỹ thuật đơn giản gọi là “noyaki”. Người ta khẳng định rằng tới khoảng 10.000 năm trước, kỹ thuật này đã phổ biến rộng khắp các địa phương trên toàn Nhật Bản. Nhưng như đã đề cập trên đây, những nghiên cứu sau này lại cho thấy rằng đồ đất nung còn phổ biến từ trước đó. Sau này, vào thời Yayoi (từ năm 300 TCN ~ 300 SCN**), người Nhật đã tạo ra đồ đất nung Yayoi bằng cách phủ rơm khi nung ở nhiệt độ cao, tạo ra những sản phẩm mỏng và bền hơn so với đồ đất nung thời Jomon.

(*), (**) Có nhiều giả thuyết khác nhau về sự phân chia của thời kỳ Jomon. Một số nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng thời kỳ này bắt đầu từ khoảng năm 16.000 TCN và kết thúc vào khoảng năm 900 TCN. Việc này vẫn chưa có sự phân định rõ ràng. Do đó, thời điểm bắt đầu chính xác của thời kỳ Yayoi vẫn còn là một ẩn số cho đến ngày nay.

Sự ra đời của đồ gốm

Wikimedia Commons

Đến thế kỷ thứ 5, giữa thời kỳ Kofun (thế kỷ III – VII), người Nhật đã tiếp thu các kỹ thuật chế tác mới được du nhập từ Bán đảo Triều Tiên. Từ những kỹ thuật mới này, đồ gốm Sueki (hình trên; được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Izumi) đã được hình thành bằng phương pháp nung nhiệt độ cao giảm các tia lửa bắn ra, gọi là “kangenenshosei”. Cũng từ đây, người ta phát hiện ra loại men nguyên sinh – hỗn hợp hóa chất có tác dụng thủy tinh hóa bề mặt của đồ gốm.

Wikimedia Commons

Trong thời kỳ Asuka và Nara (538-794), tiếp thu những ảnh hưởng từ kỹ thuật gốm Enyu tráng men chì nung trên lửa nhỏ từ Trung Quốc và Bán đảo Triều Tiên, những thợ gốm Nhật Bản đã cho ra đời đồ gốm Ryokuyo đầy màu sắc (hình trên; chum bốn chân tráng men xanh và gốm Nara Sansai trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan). Đến thế kỷ thứ 9 trong thời kỳ Heian (794-1185), ở tỉnh Aichi ngày nay, những người thợ thủ công tại lò nung Sanage bắt đầu sản xuất gốm Kaiyu được làm bằng men nhân tạo và nung ở nhiệt độ cao.

Các loại gốm theo kỹ thuật yakishime phổ biến ngày nay với độ cứng và chịu nước tốt như Tokoname, Atsumi, Echizen, Shigaraki, Tamba, Bizen, v.v bắt đầu được chế tác từ cuối thời Heian (khoảng thế kỷ 11). Nhờ tính hữu dụng cao, những loại gốm này được sử dụng rất phổ biến trong đời sống.
Bên cạnh đó, đồ gốm Sue tiếp tục được sản xuất và sử dụng cho đến thời kỳ Edo (1603-1868) tương đối gần đây.

Sự ra đời của ý thức thẩm mỹ trong trà đạo

Wikimedia Commons

Từ nửa sau thời kỳ Muromachi (khoảng thế kỷ 15 đến thế kỷ 16), sự hình thành ý thức thẩm mỹ độc đáo của “trà đạo” đã cải thiện đáng kể vị thế của đồ gốm tại Nhật Bản, biến nó thành “quốc hồn quốc túy”. Nhờ đó, vào thời Azuchi-Momoyama (1568-1615), với sự dẫn dắt của Senno Rikyu – người đã hoàn thiện văn hóa chanoyu (sau này là trà đạo) với tinh thần wabisabi (chấp nhận sự vô thường và không hoàn hảo), gốm sứ Nhật Bản đã bước vào thời kỳ phát triển hưng thịnh nhất trong lịch sử. Trong thời kỳ này, sẽ là một thiếu sót nếu không nhắc đến sự ra đời của vô số tác phẩm gốm xoay quanh văn hóa trà đạo như: Rakuyaki chawan của Chojiro – một thợ gốm tiêu biểu của Kyoto trong thời Azuchi-Momoyama, Kizeto, Setoguro, Shino (hình trên; được trưng bày tại bảo tàng Quốc gia trong bộ sưu tập “Shino Chawan Mei Furisode”) và Oribe. Tiếp đó là các sản phẩm đồ gốm dùng trong trà đạo của Bizen, Shigaraki, Iga, Tamba và Karatsu.

Sự ra đời của đồ sứ

Wikimedia Commons

Đồ sứ xuất hiện vào đầu thế kỷ 17 trong thời kỳ Edo (1603-1868) sau khi người thợ gốm Hàn Quốc Yi Sam-pyeong (hay còn gọi là Kanagae Sanbe) phát hiện ra đá thạch cao tại núi Izumi ở Arita, thuộc tỉnh Saga ngày nay. Loại đá này được sử dụng để sản xuất ra sứ Imari-Arita (ảnh trên, ước tính được chế tác vào thế kỷ 18) và vẫn thịnh hành cho tới ngày nay.

Lời kết

Vậy là gốm sứ Nhật Bản đã bắt nguồn từ 10.000-16.000 năm trước, nhưng kỹ thuật gốm sứ như chúng ta biết đến ngày nay chỉ có lịch sử khoảng 1.300-1.500 năm tuổi. Con số này có khả năng còn lớn hơn nữa, nhưng chúng ta sẽ phải chờ thêm kết quả từ những nghiên cứu trong tương lai để biết rõ hơn về lịch sử gốm sứ Nhật Bản.

Nếu bạn muốn gửi phản hồi về bài viết, hay có ý tưởng muốn chia sẻ, hoặc yêu thích những sản phẩm gốm sứ Nhật Bản, vui lòng liên hệ với miranhouse nhé!

BÌNH LUẬN CỦA BẠN
0888004598
Liên hệ qua Zalo
Messager