Phân biệt đồ gốm, sứ và đồ sơn mài Nhật Bản: Loại nào có thể sử dụng trong máy rửa bát, lò vi sóng?

14/06/2022 05:35

Các loại bát đĩa của Nhật thường được làm từ các chất liệu đất nung như gốm, sứ và chất liệu gỗ như đồ sơn mài. Tuy nhiên, bên cạnh chất liệu, còn nhiều điểm khác biệt giữa các món đồ này như cách sử dụng, có thể dùng được trong lò vi sóng và máy rửa bát hay không, hay cách bảo quản sao cho có thể sử dụng được trong thời gian dài. Trong bài viết này, chúng tôi đã chọn ra một vài sản phẩm thủ công truyền thống tiêu biểu của Nhật Bản để giải thích kỹ hơn về đặc điểm và sự khác biệt của từng loại chất liệu trên.

Sự khác biệt lớn nhất giữa đồ gốm, sứ và đồ sơn mài là gì?

Sự khác biệt lớn nhất chính là về chất liệu:

  • Đồ gốm được làm từ đất sét.
  • Đồ sứ được làm từ cao lanh (một loại đất sét màu trắng).
  • Đồ sơn mài được làm từ gỗ.

Giờ hãy cùng đi vào chi tiết từng đặc điểm để xem chúng còn điểm gì khác nhau nữa nhé:

Đồ gốm: những món đồ có kết cấu thô sơ và mộc mạc

Đồ gốm Bizen của nghệ nhân Naoto Tsuneki

Đồ gốm có đặc trưng là bề mặt thô ráp, kết cấu đơn giản và mộc mạc. Dưới đây là ba đặc điểm chính của đồ gốm.

Ba đặc điểm nổi bật của đồ gốm

1. Sản phẩm thường có màu nâu của đất và bề mặt thô ráp

Đồ gốm được làm từ một loại đất sét. Chính vì vậy, bề mặt sản phẩm thường thô ráp và gồ ghề do vẫn giữ nguyên các thành phần có trong đất sét trong quá trình sản xuất. Đương nhiên, do chất lượng đất mỗi nơi một khác nên sẽ có sự khác biệt về màu sắc và hình dáng của sản phẩm. Bên cạnh đó, vì làm từ nguyên liệu là đất, nên bề mặt của đồ gốm có vô số những lỗ khí nhỏ mà mắt thường không thể nhìn thấy. Đó là lý do vì sao người ta còn gọi đồ gốm là “món đồ biết thở”.

2. Khó nứt vỡ, biến dạng dù ở nhiệt độ cao

Người ta nói rằng đồ gốm có khả năng chống lại sự chênh lệch nhiệt độ tốt hơn so với đồ sứ. Thực tế cũng cho thấy những chiếc nồi đất nung có thể đun trực tiếp trên ngọn lửa cũng là các sản phẩm đồ gốm.

3. Dễ vỡ khi bị va đập

Đồ gốm thường chịu lực kém hơn đồ sứ. Khi bị va đập vào một vật cứng, đồ gốm sẽ rất dễ vỡ. Do đó, bạn cần hết sức cẩn thận khi sử dụng sản phẩm làm từ gốm.

Các vùng sản xuất đồ gốm tiêu biểu và một vài sản phẩm đồ gốm đặc trưng

Có rất nhiều khu vực sản xuất đồ gốm trên khắp Nhật Bản, trong đó có thể kể đến những cái tên tiêu biểu như Shigaraki, Bizen và Tokoname.

Đồ sứ: Trắng, mịn và đẹp

Đồ sứ thường có bề mặt trắng, nhẵn và mịn. Dưới đây là ba đặc điểm chính của đồ sứ.

3 đặc điểm của đồ sứ

1. Sản phẩm có màu trắng và nhẵn

Đồ sứ được làm từ đất sét cao lanh (một loại đất sét màu trắng), được hình thành do quá trình phong hóa đá tràng thạch. Chính chất liệu mịn và đồng nhất của những hạt đất được nung ở nhiệt độ cao đã tạo nên bề mặt nhẵn mịn của đồ sứ.

2. Khả năng giữ nhiệt kém

Đồ sứ thường được nung mỏng đến mức ánh sáng có thể xuyên qua. Khi đựng canh nóng thì nhiệt truyền qua đồ sứ và thoát ra ngoài nhiều, gây nóng tay khi cầm và khiến đồ ăn nhanh nguội. Do đó, khi đựng thức ăn nóng và muốn giữ nhiệt thì nên dùng đồ gốm sẽ tốt hơn đồ sứ.

3. Khó vỡ dù bị va đập

Vì sứ được nung ở nhiệt độ cao hơn, nên sản phẩm sứ sẽ có kết cấu đặc, không thấm nước và chịu lực tốt hơn.

Các vùng sản xuất đồ sứ tiêu biểu và một vài sản phẩm đồ sứ đặc trưng

Nói tới nơi sản xuất đồ sứ thì không thể không kể tới Arita, Kutani và Seto. Mỗi nơi trong số những vùng này đều tạo ra những sản phẩm sứ chất lượng cao, bề mặt nhẵn mịn, được trang trí bằng những bức tranh tuyệt đẹp mà bạn sẽ không thể tìm thấy ở sản phẩm gốm.

Đồ sơn mài: lớp sơn màu đen đỏ độc đáo

Thay vì nung trong lò, đồ sơn mài Nhật Bản được tạo ra thông qua quá trình phủ sơn lên gỗ để tạo ra lớp sơn bóng với kết cấu mịn phù hợp để sản xuất các vật dụng đựng thức ăn. Dưới đây là 3 đặc điểm chính của đồ sơn mài Nhật Bản:

3 đặc điểm của đồ sơn mài Nhật Bản

1. Nước sơn bóng độc đáo với màu đen và đỏ

Không giống như đồ gốm hoặc sứ của Nhật Bản, đồ sơn mài được làm bằng gỗ. Từ nguyên liệu chính là gỗ, người ta phủ nhiều lớp sơn lên trên để tạo nên một bề mặt bóng đẹp đến mê hồn.

2. Sản phẩm nhẹ, dễ cầm

Đồ sơn mài được làm bằng gỗ nên rất nhẹ và dễ cầm. Ngoài ra, chất liệu gỗ truyền nhiệt kém, nên phù hợp để dựng các món như canh nóng, không sợ bị nóng khi bưng.

3. Không thể sử dụng trong máy rửa bát và lò vi sóng

Vì lớp sơn được phủ trực tiếp lên gỗ nên nếu bạn sử dụng máy rửa bát hoặc lò vi sóng, lớp sơn có thể bị đổi màu hoặc bong tróc. Về cơ bản, bạn không nên sử dụng những món đồ này trong máy rửa bát và lò vi sóng.

Các vùng sản xuất đồ sơn mài tiêu biểu và những sản phẩm đặc trưng

Những nơi sản xuất đồ sơn mài tiêu biểu nhất ở Nhật Bản là Wajima, Yamanaka, Echizen và Kishu. Mỗi khu vực sản xuất đều có những đặc điểm riêng như số lớp sơn và chất liệu sơn khác nhau tạo nên nhiều sản phẩm đồ sơn mài đa dạng.

Những lưu ý khi sử dụng và cách bảo quản đồ gốm, đồ sứ và đồ sơn mài

Về việc sử dụng trong lò vi sóng

・Đồ gốm
Đồ gốm không chịu lực tốt bằng đồ sứ, nên nếu thường xuyên sử dụng trong lò vi sóng thì sẽ khiến sản phẩm dễ bị nứt, vỡ. Do đó, bạn nên cẩn thận và cân nhắc trước khi sử dụng.

Đồ sứ
Về cơ bản, không có vấn đề gì khi sử dụng đồ sứ trong lò vi sóng. Tuy nhiên, không nên đưa vào lò vi sóng những sản phẩm sứ có trang trí hoa văn bằng kim loại vàng hoặc bạc.

・Đồ sơn mài
Đồ sơn mài rất nhạy cảm với những thay đổi về nhiệt độ. Do đó, bạn không nên sử dụng đồ sơn mài trong lò vi sóng.

※Trong tất cả các trường hợp, bạn nên tham khảo tài liệu thông số kỹ thuật của sản phẩm trước khi sử dụng.

Về việc sử dụng trong máy rửa bát

・Đồ gốm / sứ
Về cơ bản không có vấn đề gì khi cho đồ gốm và đồ sứ vào máy rửa bát. Tuy nhiên, cần chú ý đối với một số loại gốm sử dụng các phương pháp như “suyaki” không tráng men và “yakishime” được nung ở nhiệt độ cao mà không tráng men. Điển hình nhất là các sản phẩm gốm Bizen và Shigaraki.

Đối với những đồ gốm kiểu này, có những loại không thể dùng trong máy rửa bát. Đó là do nếu bị sấy khô quá, đồ gốm sẽ trở nên dễ vỡ hơn. Tuy nhiên, bản thân tôi vẫn đang sử dụng cốc và đĩa gốm Bizen, và vẫn rửa chúng bằng máy rửa bát hằng ngày mà chúng không hề bị biến dạng hay nứt vỡ. Do vậy, tôi nghĩ rằng bạn có thể sử dụng máy rửa bát để rửa những món đồ này mà không cần quá lo lắng.

・Đồ sơn mài
Đối với đồ sơn mài, bạn nên tránh sử dụng máy rửa bát. Vì chúng được làm bằng gỗ nên thường sẽ không chịu được sự thay đổi nhiệt độ như quá trình sấy khô của máy rửa bát. Lớp sơn trên bề mặt có thể bị bong tróc hoặc bản thân sản phẩm có thể bị biến dạng, vì vậy tốt hơn hết bạn nên tránh sử dụng những sản phẩm này với máy rửa bát.

Tuy nhiên gần đây, những công nghệ mới đã cho ra đời đồ sơn mài có thể sử dụng trong máy rửa bát như sản phẩm bên dưới. Nếu bạn vẫn muốn sử dụng máy rửa bát, hãy thử sử dụng sản phẩm đồ sơn mài kiểu mới này xem sao nhé!

Đồ sơn mài của Masano Echizen: Bát súp hình chữ Kyo màu đỏ son cổ điển, dùng được với máy rửa bát

Về cách bảo quản

Cách bảo quản đồ gốm

Đồ gốm được làm từ đất sét, do đó bề mặt sẽ có nhiều lỗ khí nhỏ. Trong một số ít trường hợp, những lỗ khí này trên đồ gốm có thể lưu lại màu sắc hoặc mùi của thức ăn. Để tránh tình trạng này, bạn nên rửa món đồ càng sớm càng tốt ngay sau khi sử dụng. Đối với những món đồ gốm có hình trang trí trên bề mặt, cần chú ý khi sử dụng chất tẩy trắng vì có thể làm đổi màu họa tiết trên sản phẩm.

Cách bảo quản đồ sứ

So với đồ gốm và đồ sơn mài, đồ sứ dễ bảo quản hơn cả vì không cần để ý quá kỹ. Tuy nhiên, đồ sứ khá nhạy cảm khi bị thay đổi nhiệt độ đột ngột, do đó bạn nên tránh khử trùng sản phẩm bằng nước nóng. Vì bề mặt sản phẩm làm từ chất liệu sứ thường nhẵn nên chỉ cần dùng nước rửa bát là có thể làm sạch dễ dàng.

Nếu gia đình bạn đang sử dụng máy rửa bát, hãy đặt đồ sứ ở vị trí trung tâm của máy rửa bát để dễ dàng rửa sạch hơn.

Cách bảo quản đồ sơn mài

Đồ sơn mài rất tinh xảo nên bạn không nên để sản phẩm tiếp xúc với nước nóng. Thay vào đó, bạn hãy rửa chúng bằng nước ấm khoảng 30℃. Ngoài ra, hình dạng của bát có thể bị biến dạng khi ngấm nước trong thời gian dài. Vì vậy hãy nhớ lau sạch nước ngay sau khi rửa và để khô tự nhiên.

Bên cạnh đó, bạn có thể dùng những miếng bọt biển mềm để cọ rửa sản phẩm sơn mài. Tuy nhiên, cần tuyệt đối tránh chà xát bằng bề mặt cứng của miếng bọt biển như trong hình trên, vì nó có thể khiến sản phẩm mất độ bóng ngay lập tức. (* Bản thân tôi đã sử dụng miếng bọt biển cứng trong nhiều năm, khiến đồ dùng bị hư hỏng khá nhiều).

Hiểu rõ những ưu điểm và tính năng của từng loại sản phẩm để sử dụng một cách có hiệu quả

Như đã giới thiệu trên đây, đồ gốm, đồ sứ, và đồ sơn mài có những ưu điểm và tính năng khác nhau. Tùy theo món ăn và mục đích sử dụng mà chúng ta cần lựa chọn cho phù hợp, để mỗi bữa ăn gia đình trở nên vui vẻ, ấm cúng hơn.

Nếu bạn muốn gửi phản hồi về bài viết, hay có ý tưởng muốn chia sẻ, hoặc yêu thích những sản phẩm gốm sứ Nhật Bản, vui lòng liên hệ với miranhouse nhé!

BÌNH LUẬN CỦA BẠN
0888004598
Liên hệ qua Zalo
Messager