Sản phẩm thủ công truyền thống Nhật Bản: Giới thiệu gốm Owari Cloisonne
Đồ gốm Owari Cloisonne mang vẻ đẹp như những bức họa với hình ảnh hoa và chim chóc,… cũng như được đánh giá cao bởi độ bền do được phủ bên ngoài bằng chất liệu thủy tinh. Đồ gốm thông thường được làm từ đất và đá, nhưng gốm Owari Cloisonne lại được làm từ kim loại. Để giúp các bạn hiểu rõ hơn về sản phẩm thủ công truyền thống của tỉnh Aichi này, trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu về lịch sử, đặc trưng sản phẩm cũng như kỹ thuật sản xuất gốm Owari Cloisonne.
Lịch sử phát triển của gốm Owari Cloisonne
Đồ gốm Owari Cloisonne được sản xuất tại các khu vực Nagoya, Ama và Kiyosu thuộc tỉnh Aichi. Đồ gốm chủ yếu được làm từ đất và đá, nhưng gốm Owari Cloisonne sử dụng nguyên liệu là kim loại như bạc và đồng. Đặc trưng của gốm Owari Cloisonne là kỹ thuật tráng men trên phôi kim loại (phủ chất liệu bằng thủy tinh lên bề mặt gốm thô) và sau đó tạo hình hoa văn và các họa tiết sặc sỡ khác.
Tên gọi Owari Cloisonne trong tiếng Nhật là “Owari Shippo”, có nghĩa là vẻ đẹp như bảy báu vật được ghi chép trong các sách Phật giáo. Bảy bảo vật ở đây bao gồm vàng, bạc, lapis lazuli (ngọc xanh), pha lê, vỏ ngao khổng lồ (vỏ tridacna), san hô và mã não
.
Source: 加藤七宝製作所(KATO SHIPPO SEISAKUSYO)
Đồ gốm Cloisonne được cho là có nguồn gốc từ Ai Cập cổ đại thời kỳ trước Công nguyên và sau đó được truyền sang châu Âu và Trung Quốc rồi đến Nhật Bản vào khoảng thế kỷ thứ 7. Các sản phẩm gốm sứ (gốm nung làm từ đất và đá) được ra đời từ trong quá trình sản xuất các vật dụng dùng trong đời sống hàng ngày và sau đó trở thành sản phẩm nghệ thuật và thủ công; trong khi đó gốm Owari Cloisonne ngay từ khi xuất hiện ở Nhật Bản đã được xem như là đồ trang trí mỹ nghệ.
Người ta nói rằng gốm Owari Cloisonne ngày nay được bắt đầu sản xuất vào khoảng năm 1830~1844, khi Kaji Tsunekichi – một nghệ nhân từ tỉnh Owari (nay là tỉnh Aichi) bắt đầu cải tiến chiếc đĩa gốm Cloisonne được nhập khẩu từ Hà Lan. Kỹ thuật sản xuất của Kaji Tsunekichi đã khơi nguồn cho sự hình thành của ngành công nghiệp ở Owari, kể từ đó gốm Owari Cloisonne được sản xuất với số lượng nhiều hơn. Vào nửa sau thế kỷ 19, nó trở thành như một sản phẩm truyền thống của vùng Owari.
Năm 1867, thương hiệu gốm Owari Cloisonne lan rộng ra thế giới khi được trưng bày và nhận giải thưởng tại Triển lãm Thế giới tại Paris. Sau thời Minh Trị (1868-1912), các kĩ thuật ngày càng phát triển và cho ra nhiều loại gốm Cloisonne khác nhau. Năm 1995, gốm Owari Cloisonne đã được Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản công nhận là sản phẩm thủ công truyền thống quốc gia.
Đặc trưng của gốm Owari Cloisonne
Không giống như các loại đồ gốm khác, gốm Owari Cloisonne được làm từ các kim loại như đồng và bạc, sau đó được tráng men lên toàn bộ phôi kim loại. Ngoài ra, các hoa văn sinh động và sặc sỡ trang trí trên bề mặt sản phẩm cũng là nét đặc trưng riêng biệt của loại gốm này. Điểm thú vị của gốm Owari Cloisonne là không dễ bị ẩm mốc hay trầy xước, do được phủ men enamel trên bề mặt.
Trong ngành sản xuất gốm Owari Cloisonne, người ta sử dụng nhiều kĩ thuật khác nhau, và sản phẩm gốm được chia thành nhiều dòng khác nhau tùy theo từng kĩ thuật sản xuất. Kỹ thuật làm gốm Cloisonne cũng được sử dụng trong chế tác đồ trang sức và đồ cổ của châu Âu, và được phát triển bởi văn hóa và lịch sử của địa phương đó.
Kỹ thuật Yusen Shippo
Đây là kỹ thuật xếp những sợi kim loại lên những hoa văn được vẽ trên nền gốm để định hình hoa văn, sau đó tráng men phủ bên trên.
Kĩ thuật Musen Shippo
Kĩ thuật này có quy trình tương tự như kĩ thuật Yusen Shippo, nhưng những sợi kim loại sẽ bị loại bỏ trước khi nung, hoặc các hoa văn được đính vào mà không cần sử dụng sợi kim loại. Đặc trưng của sản phẩm này là đường nét hoa văn mềm mại, không có sợi kim loại và đường viền mờ.
Kĩ thuật Moriage Shippo
Kỹ thuật này khiến lớp tráng men trở nên vô cùng sống động. Do đó, đặc trưng của dòng sản phẩm này là hình hoa văn ba chiều.
Kĩ thuật Shotai Shippo
thuật này sẽ dùng axit nitric để hòa tan và loại bỏ các sợi kim loại trong kĩ thuật Yusen Shippo. Sản phẩm khi nhìn bằng mắt thường sẽ giống như sản phẩm Musen Shippo.
Quy trình làm gốm Owari Cloisonne sẽ phụ thuộc vào kĩ thuật mà người thợ sử dụng. Mỗi công đoạn làm gốm Owari Cloisonne đòi hỏi những kĩ thuật vô cùng tiên tiến, nên những thợ thủ công có chuyên môn sẽ được phân công phụ trách từng công đoạn. Các công đoạn chính trong sản xuất dòng sản phẩm Yusen Shippo là:
① Thiết kế: Quyết định kiểu dáng và hoa văn
② Làm phôi: Sử dụng búa gỗ và búa kim loại để tạo hình đĩa đồng. Gần đây, với sự phát triển của công nghệ, người ta chủ yếu sử dụng phương pháp ép khuôn bằng máy.
③ Vẽ phác thảo: Vẽ hoa văn bằng mực trên bề mặt phôi đã tạo
④ Gắn sợi kim loại: Gắn sợi kim loại dọc theo nét vẽ đã phác thảo
⑤ Tráng men: Sau khi tạo đường viền bằng sợi kim loại, phủ lớp men lên phần bề mặt được ngăn cách bởi các sợi kim loại
⑥ Nung: Nung ở nhiệt độ 700℃~800℃ trong khoảng 10~15 phút. Công đoạn nung được lặp lại nhiều lần cho đến khi chiều cao của dây kim loại và lớp men bằng nhau. Trước đây, người ta nung bằng lò than, nhưng ngày nay chủ yếu sử dụng lò điện.
⑦ Đánh bóng: Đánh bóng để làm sáng bóng sản phẩm
⑧ Đắp vòng: Cuối cùng, gắn các vòng bạc hoặc đồng thau ở trên và dưới
Sản phẩm gốm Owari Cloisonne ngày nay
Hiện nay, kỹ thuật sản xuất gốm Owari Cloisonne được ứng dụng để sản xuất ra nhiều sản phẩm như bình hoa, lọ trang trí, phụ kiện trang sức như mặt dây chuyền, hoa tai,… Các sản phẩm gốm Owari Cloisonne liên tục được những người thợ nỗ lực để đổi mới, xuất hiện ngày càng nhiều trên các phương tiện truyền thông và thu hút sự chú ý của nhiều người.
Nếu bạn muốn gửi phản hồi về bài viết, hay có ý tưởng muốn chia sẻ, hoặc yêu thích những sản phẩm gốm sứ Nhật Bản, vui lòng liên hệ với miranhouse nhé!